Bài phóng sự

Thông cáo báo chí về Đối thoại Chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ năm

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ năm tại Luân Đôn.

Điều này đã được xuất bản trong 2015 to 2016 Cameron Conservative government
Minister for Asia, Hugo Swire

Ngày 07/3/2016, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ năm tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Đây là một phần trong Thỏa thuận Đối tác Chiến lược giữa hai nước được ký kết năm 2010.

Đối thoại chiến lược tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của Việt Nam và Anh; đánh giá thực trạng hợp tác song phương và đề xuất những phương thức làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược trong các lĩnh vực ưu tiên như chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng. Đây cũng là diễn đàn để hai bên chia sẻ quan điểm, đánh giá về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hai bên đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh tiếp tục được phát triển tích cực, thể hiện qua thành công của chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Anh Da-vít Ca-mê-rôn (diễn ra từ ngày 29-30/7/2015). Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời Chính phủ Anh chủ trương mở rộng hợp tác với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp; tăng cường tham vấn tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, ASEM, hợp tác EU - ASEAN, nhất là trong các vấn đề như luật pháp quốc tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam hoan nghênh chủ trương của Anh tăng cường tiếng nói và hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp vào việc đảm bảo hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực.

Về hợp tác kinh tế, hai bên đánh giá quan hệ thương mại - đầu tư song phương tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 5,4 tỷ USD, tăng hơn 25% so với 2014. Đầu tư của Anh vào Việt Nam đạt 4,7 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các nước EU đầu tư vào Việt Nam. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước và tái khẳng định cam kết của hai nước về việc ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU nhằm hiện thực hóa những lợi ích mà Hiệp định đem lại, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quan hệ Việt Nam - EU và Việt Nam - Anh. Việt Nam hoan nghênh việc Bộ Ngoại giao Anh triển khai Quỹ Thịnh vượng mới nhằm hỗ trợ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2016 của các nước đối tác.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giáo dục - đào tạo, lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ Đối tác chiến lược với nền tảng hợp tác tốt đẹp trong thời gian qua. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này thông qua các hoạt động như: triển khai hiệu quả dự án giai đoạn I của trường Đại học Việt - Anh tại Đà Nẵng là Viện nghiên cứu giáo dục đào tạo Việt - Anh; thúc đẩy thành lập Trung tâm khảo thí tiếng Anh; ký kết “Thỏa thuận hợp tác về phát triển kỹ năng nghề và xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng nghề”; và triển khai chương trình Niu-tơn. Hai bên cũng ghi nhận những đóng góp của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục đến từ Vương quốc Anh tại Việt Nam, trong đó có Hội đồng Anh, và nhất trí cần hướng tới xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp cho hoạt động của các tổ chức này.

Hai bên hoan nghênh sự phát triển tích cực trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, đặc biệt việc Việt Nam mở Phòng Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Luân Đôn vào tháng 11/2015; nhất trí triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương và tiếp tục thúc đẩy tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực huấn luyện, đào tạo, công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình, an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả bom mìn còn lại sau chiến tranh.

Về lĩnh vực an ninh, hai bên hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật phòng chống tội phạm có tổ chức; cam kết sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp giải quyết các vấn đề tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng, rửa tiền, nhập cư bất hợp pháp và buôn người.

Về vấn đề quốc tế và khu vực, hai bên trao đổi về một số diễn biến tình hình gần đây tại khu vực Trung Đông, châu Âu, châu Á cũng như tình hình tại Biển Đông. Hai bên chia sẻ quan điểm duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải tại khu vực là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Hai bên nhấn mạnh lập trường chung giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC). Phía Anh khẳng định lập trường của Anh, phù hợp với Tuyên bố chung Việt Nam - EU và Tuyên bố chung ASEAN – EU về vấn đề Biển Đông.

Các cuộc thảo luận diễn ra trong bầu không khí cởi mở, xây dựng và hiểu biết lẫn nhau với mục tiêu đạt được các mục tiêu chung và tăng cường quan hệ song phương.

Updates to this page

Ngày xuất bản 7 Tháng ba 2016